Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,38 tỷ USD, giảm 21,7% so với năm 2022. Tỷ trọng tôm trong tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 giảm cả về lượng và trị giá so với năm 2022. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh dưới tác động của lạm phát cao và tôm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với nguồn cung cấp tôm đến từ Ecuador, Ấn Độ.
Infographic: Xuất khẩu tôm của Việt Nam tháng 1/2024
(vasep.com.vn) Xuất khẩu tôm Việt Nam tháng 1/2024 đạt 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoại trừ việc năm 2023 Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, nếu so sánh với cùng kỳ những năm trước đó, doanh số XK tôm tháng 1/2024 vẫn là một tín hiệu tích cực khởi đầu cho XK tôm năm 2024.
Hai tháng đầu năm 2024, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
Theo VASEP (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam), tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm 11%, còn đạt 173 triệu USD. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng tháng 1 nên lũy kế hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm đã mang về 415 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Giá tôm chân trắng và tôm sú nguyên liệu của Việt Nam kể từ tháng 1 năm nay có xu hướng tăng dần mặc dù vẫn chưa phục hồi trở lại mức giá của cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 1/2024, giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, Anh, Hàn Quốc ghi nhận tăng trong khi giá xuất khẩu sang Trung Quốc, EU, Nhật Bản giảm.
Về thị trường, hai tháng đầu năm 2024, 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Trung Quốc & Hong Kong, Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.
Cụ thể, tháng 2/2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc & Hong Kong tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, đạt 39 triệu USD. Đây là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 2 năm nay. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc & Hong Kong ghi nhận tăng tới 143%, lên mức hơn 81 triệu USD.
Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay khá cao. Tháng đầu tiên của năm nay, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm để đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán.
Trung Quốc cũng giảm nhập khẩu từ Ecuador - nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc, nên thị trường này tăng cường nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Trên thị trường Trung Quốc, tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá so với các nguồn cung đối thủ tuy nhiên nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên đã chấp nhận mức giá cao hơn.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 2 năm nay đạt 31 triệu USD, giảm 9%. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 72 triệu USD, tăng 26%. Mặc dù giảm trong tháng 1 nhưng với tốc độ nhẹ, nguyên nhân là do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Giá trung bình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sau khi chạm đáy vào tháng 11/2023, đã có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm nay.
Sau 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu về 2,8 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu tôm, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Sao Ta (FMC) là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: FMC
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 lần lượt là CTCP Thủy sản Sóc Trăng, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, CTCP Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, CTCP Thực phẩm Sao Ta và CTCP Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau.
Theo VASEP, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc... đều tăng trưởng khả quan. Cùng với sự phục hồi của các thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng ghi nhận kết quả doanh thu tích cực. Như Sao Ta (FMC), 9 tháng đầu năm 2024, công ty này thu về 186,7 triệu USD. Riêng trong tháng 9, Sao Ta đạt 30,1 triệu USD về doanh thu (tăng 48% so với cùng kỳ năm trước).
Năm 2023, Sao Ta là doanh nghiệp Việt xuất khẩu tôm lớn nhất vào Nhật Bản, đứng thứ 5 tại thị trường Mỹ và thứ 9 tại Hàn Quốc.
Đánh giá về xu hướng sản phẩm, năm 2024, tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực giá bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường.
Do vậy, tính đến cuối tháng 9, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến vẫn tăng gần 10%, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh tăng nhẹ hơn với mức 4,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 2 tỷ USD, xuất khẩu tôm sú đạt 334 triệu USD.
Về giá tôm nguyên liệu, theo VASEP, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đã ghi nhận tích cực hơn kể từ tháng 7 năm nay. Giá tôm chân trắng nguyên liệu các cỡ 50, 80, 100 con/kg tăng đều kể từ tháng 7 đến tháng 9.
Dự kiến giá tôm nguyên liệu vẫn tiếp tục khả quan trong quý 4/2024 tuy nhiên có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu lễ Tết Nguyên đán và năm mới, doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm.
Trong khi đó, kết quả sản xuất tôm nội địa trong quý 3 và cả 9 tháng đầu năm 2024 đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Cụ thể, quý 3/2024, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam ước đạt 368.700 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; tôm sú đạt 88.200 tấn, tăng 2%. Theo Tổng cục Thống kê (GSO), sản lượng tôm của Việt Nam trong quý 3/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước do áp dụng mô hình nuôi siêu thâm canh, thâm canh, ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao
Tính chung 9 tháng năm 2024, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 701.400 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 210.300 tấn, tăng 2,2%.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU đạt 38 triệu USD trong tháng 4 năm 2024, tăng 28% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 4/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 287 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 974 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Tháng 4 năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã có sự thay đổi trong xu hướng nhập khẩu của các thị trường chính. Nếu như trong các tháng trước đó, 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) ghi nhận các mức tăng trưởng mạnh thì trong tháng 4 năm nay, xuất khẩu sang Mỹ giảm và sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ tăng nhẹ.
Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng nhẹ trở lại sau khi giảm trong 2 tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường EU sau 2 tháng giảm sâu, đã phục hồi tăng trưởng trở lại trong tháng 4. EU là thị trường chính ghi nhận tăng trưởng tốt nhất trong tháng 4 năm nay.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ trong 4/2024 giảm 15% sau khi vẫn tăng trưởng nhẹ trong tháng 3. Tính chung, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 168 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 1,7% đạt 64 triệu USD trong tháng 4 năm nay. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 192 triệu USD, tăng 41%. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc cũng ghi nhận tăng nhẹ 4% trong tháng 4 năm nay và kim ngạch 4 tháng đầu năm nay sang thị trường này đạt 95 triệu USD, giảm 10%.
Xuất khẩu tôm sang thị trường EU đạt 38 triệu USD trong tháng 4 năm nay, tăng 28% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, giá trị xuất khẩu đạt 119 triệu USD, gần như tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 4, xuất khẩu tôm sang EU khá sôi động. Giá trị xuất khẩu sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đều tăng trưởng 2 con số. Xuất khẩu sang Đức, Hà Lan và Bỉ tăng lần lượt 29%, 37% và 39%, xuất khẩu sang Đan Mạch tăng mạnh 88%.
Triển lãm Thủy sản Toàn cầu 2024 diễn ra tại Tây Ban Nha vào tháng 4 có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Tại đây, các mặt hàng tôm giá trị gia tăng tươi ngon từ Việt Nam đã được quảng bá tới người tiêu dùng và nhập khẩu châu Âu. Các sản phẩm tôm ăn liền được các doanh nghiệp chế biến thành nhiều món ăn phong phú, đa dạng và mời khách tham gia thưởng thức ngay tại các gian hàng.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm ghi nhận tăng 10% so với cùng kỳ, là dấu hiệu cho thấy lượng tồn kho tại các thị trường đã giảm bớt. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế của người tiêu dùng vẫn chưa thể hiện rõ khả năng hồi phục. Trong bối cảnh còn phải đối mặt với nhiều thách thức, ngành tôm Việt Nam nên đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng, tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.